Lối chơi The Sims 3

Hai Sim đang tương tác với nhau

The Sims 3 được xây dựng dựa trên cùng một ý tưởng với các tựa game tiền nhiệm. Người chơi điều khiển các Sim của mình trong những hoạt động và mối quan hệ tương tự như đời thực. Đây là một lối chơi mở và bất định. Nhà ở và khu vực lân cận của Sim nằm tất cả trong một bản đồ nhất định. Một trong những sự thay đổi lớn nhất của trò chơi là việc sử dụng các rabbit-hole. Sim không được phép khám phá hầu hết các tòa nhà trong thành phố; thay vào đó, chúng chỉ đơn giản là biến mất vào đó trong một khoảng thời gian nhất định, người chơi sẽ được chọn lựa việc gì sẽ xảy ra ở đó thông qua một thông báo.

The Sims 2 sử dụng hệ thống các Want và Fear. Điều này được thay thế bởi hệ thống các Wish trong The Sims 3. Hoàn thành một wish đóng góp vào điểm Lifetime Happiness của cũng như tâm trạng của Sim. Trong The Sims 2, các Want và Fear cũng ảnh hưởng đến điểm Aspiration của Sim. Trong The Sims 3, điều này bị loại bỏ hoàn toàn và được thay thế bởi các "Moodlet", yếu tố làm tăng hoặc giảm mức Motivation. Moodlet có thể được gây ra bằng các hoạt động thể chất, ví dụ như việc thưởng thức một bữa ăn ngon hoặc sự thoải mái khi ngồi trên một chiếc ghế tốt, cũng như các hoạt động tinh thần như nụ hôn đầu hay một cuộc chia tay. Hầu hết các moodlet kéo dài trong một khoảng thời gian cố định, nhưng một số moodlet tiêu cực có thể được chữa khỏi, còn một số moodlet tích cực thì dựa vào môi trường xung quanh cũng như các đặc điểm tính cách của Sim.

Trò chơi bao gồm một tính năng tùy chọn gọi là "Story Progression" cho phép tất cả các Sim trong khu vực lân cận tự động thực hiện các hoạt động như thể người chơi đang điều khiển chúng, chẳng hạn như kết hôn, tìm việc làm, thăng tiến trong công việc, sinh con, chuyển đến ngôi nhà mơ ước hay rời khỏi khu vực đó. Sim sống trong một khoảng thời gian cố định (mà người chơi có thể điểu chỉnh) và trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời từ sơ sinh đến tuổi già. Sim có thể qua đời vì tuổi già hoặc do nhiều nguyên nhân như chết cháy, chết đói, chết đuối, bị điện giật cũng như do lời nguyền của Xác ướp (bản mở rộng World Adventures), thiên thạch (bản mở rộng Ambitions) và đói khát (bản mở rộng Late Night - đối với ma ca rồng). Một trong những điểm mới đáng chú ý trong lối chơi là các Opportunity, những cơ hội mà Sim có thể hoàn thành để nhận được phần thưởng. Những thử thách này xuất hiện một cách ngẫu nhiên dựa trên nhiều yếu tố trong lối sống của Sim như các mối quan hệ, kỹ năng và công việc. Các Career opportunity như làm thêm giờ có thể dẫn đến việc tăng lương hoặc một số tiền thưởng. Các Skill opportunity bao gồm những yêu cầu của hàng xóm muốn Sim giải quyết một vấn đề nào đó bằng kỹ năng của mình. Nếu một opportunity có liên quan đến trường học của Sim, phần thường có thể là kết quả học tập được cải thiện.

Tạo một Sim (CAS)

Một người chơi đang chỉnh sửa Sim của mình

Việc tạo một Sim (Create a Sim - CAS) trong trò chơi cho phép nhiều tính năng hơn so với The Sims 2. Người chơi có nhiều lựa chọn hơn về các đặc điểm trên cơ thể và có thể tạo nên nhiều kiểu tóc khác nhau cho Sim. Người chơi còn có thể chọn giày dép cho Sim, một tính năng chỉ có trên phiên bản dành cho các hệ máy cầm tay ở The Sims và The Sims 2.

Có rất nhiều kiểu tóc, phụ kiện đi kèm và mũ nón. Người chơi có thể chọn ra một kiểu tóc riêng cho từng bộ trang phục. Có tất cả tám màu tóc nhưng người chơi có thể tùy chỉnh màu chân tóc, ngọn tóc và highlight bằng công cụ paintbrush. Những kiểu tóc mà người chơi tạo ra có thể được lưu lại để có thể tái sử dụng hoặc chia sẻ lên The Sims 3 Exchange cho những người chơi khác.

So với những tựa game trước đó, rất nhiều thứ có thể được điều chỉnh, chẳng hạn như thay vì chỉ chọn một kiểu mũi có sẵn, người chơi có thể sử dụng chế độ nâng cao để thay đổi chóp mũi và sống mũi. Người chơi không thể cho Sim mặc nhiều lớp trang phục nhưng lại có thể tùy chỉnh từng lớp của những trang phục có sẵn. Việc click chuột vào một phần nào đó trên cơ thể Sim sẽ đưa người chơi đến bảng lựa chọn của phần cơ thể đó. Độ dài của lông mi, giày dép, tất, cơ bắp và cân nặng của Sim cũng có thể được điều chỉnh. Bản mở rộng Late Night có thêm thanh điều chỉnh cỡ ngực và độ nét của cơ bắp.

Người chơi cũng có thể đặt tên, chọn tuổi và màu da cho Sim. Có tất cả sáu màu da nhưng chỉ có 3 trong số đó là giống với đời thực, còn lại bao gồm xanh lá cây, đỏ và xanh dương. Chiều cao của Sim vãn không thể thay đổi. Trong The Sims 2, người chơi chỉ có thể lựa chọn một trong hai kiểu cơ thể: bình thường và béo. Kiểu thứ ba - khỏe mạnh - chỉ có thể đạt được trong khi chơi. Tuy nhiên, trong The Sims 3, cân nặng của Sim có thể được tự do điều chỉnh (ngoại trừ trẻ sơ sinh). Trong quá trình chơi, Sim sẽ giảm cân nếu tập thể thao hoặc tăng cân nếu ăn quá nhiều.

Ở mục quần áo, người chơi có thể chọn trang phục cho Sim của mình. Có 5 kiểu trang phục bao gồm đồ mặc hàng ngày, đồ mặc trong những dịp trang trọng, đồ ngủ, đồ tập thể thao và đồ bơi. Kiểu thứ 6 nằm trong bản mở rộng Seasons bao gồm những trang phục ngoài trời dành cho các điều kiện thời tiết khác nhau chẳng hạn như áo mưa. Các loại trang phục trong mỗi kiểu bao gồm áo, quần, bộ, giày dép, kính, hoa tai, găng tay, vòng tay, nhẫn và tất. Trang phục của Sim có thể được điều chỉnh trong chi chơi bằng cách sử dụng tủ quần áo. Sim trưởng thành còn có thể điều chỉnh bộ trang phục mình mặc khi đi làm. Người chơi có thể thay đổi màu sắc và họa tiết trên quần áo và phụ kiện bằng công cụ Tạo phong cách (Create a Style). Trẻ sơ sinh không có đồ tập thể thao, đồ bơi và các phụ kiện.

Người chơi có thể lựa chọn bất kỳ đặc điểm tính cách có sẵn nào trong danh sách, cũng như món ăn, thể loại âm nhạc và màu sắc ưa thích của Sim. Giọng nói của Sim cũng có thể được điều chỉnh. Người chơi còn có thể chọn cho Sim một điều ước trọn đời (lifetime wish), mục tiêu mà Sim sẽ phấn đấu cả đời để đạt được (ngoại trừ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thiếu niên). Bản mở rộng Late Night cũng như bản vá 1.7 thêm vào các cung hoàng đạo, khiến Sim trở nên thân thiện hơn với những Sim khác có cung phù hợp.

Các kỹ năng

Các kỹ năng trong trò chơi bao gồm Logic, Nấu ăn, Hội họa, Làm vườn, Viết lách, Ghi-ta, Thể thao, Độ khéo léo, Giao tiếp và Câu cá. Một số kỹ năng mới được thêm vào trò chơi thông qua các bản mở rộng. Khi Sim đạt đến cấp độ 10 của một kỹ năng nào đó, chúng sẽ nhận được một giấy chứng nhận trong hòm thư để treo lên tường hoặc bán đi với giá 1000 Simoleon.

Hội họa, Viết lách và Ghi-ta đã trở thành những kỹ năng khác nhau thay vì được gộp chung trong kỹ năng "sáng tạo" như The Sims và The Sims 2. Những bức tranh mà Sim vẽ chịu ảnh hưởng bởi tính cách của chúng. Sim có thể nâng cao các kỹ năng của mình bằng cách luyện tập (chơi ghi-ta, viết sách, vân vân), đọc sách có liên quan đến kỹ năng hoặc tham gia một khóa học. Một số khả năng mà Sim có được là nhờ vào các kỹ năng.

Người chơi sẽ không thể nhìn thấy một kỹ năng nào đó trong bảng điều khiển Sim cho đến khi Sim đạt cấp độ 1. Mỗi kỹ năng có một thanh riêng với những chi tiết về cấp độ, số liệu, thử thách cũng như một số thông tin đặc biệt khác. Có nhiều thử thách dành cho mỗi kỹ năng, hoàn thành chúng sẽ giúp Sim nhận được những phần thưởng.

Các nghề nghiệp

Nhiều nghề nghiệp có từ The Sims và The Sims 2 tiếp tục có trong The Sims 3. Tất nhiên cũng có những nghề nghiệp mới. Sim có thể tìm việc làm thông qua báo và máy tính hoặc xin việc làm ngay tại tòa nhà mà mình muốn làm việc (mọi nghề nghiệp đều có một tòa nhà riêng trong vùng lân cận). Sim cũng có thể kiếm sống tại nhà bằng cách vẽ tranh, viết sách, chơi ghi-ta hoặc trồng rau và hoa quả. Ngoài ra Sim còn có thể đầu tư góp vốn vào việc kinh doanh của người khác để nhận được một phần lợi nhuận. Nếu Sim không muốn theo đuổi một nghề nghiệp toàn thời gian, họ có thể làm những công việc bán thời gian tại một số địa điểm trong thành phố. Công việc bán thời gian được trả lương ít hơn và không tạo ra các Career opportunity. Sim ở độ tuổi thiếu niên và trung niên cũng có thể làm một công việc bán thời gian.

Sự thăng tiến trong công việc vẫn dựa vào tâm trạng và kỹ năng của Sim, nhưng thêm vào đó là những yếu tố như mối quan hệ với đồng nghiệp/ông chủ và thậm chí là một số mục tiêu nhất định có thể được thực hiện. Người chơi cũng có thể tự quyết định hiệu quả công việc của Sim.

Một tính năng mới trong The Sims 3 là Sim có thể chọn một hướng đi nào đó trong sự nghiệp của mình (chẳng hạn như một Sim theo nghề Âm nhạc có thể lựa chọn trở thành nghệ sĩ nhạc thính phòng hoặc ca sĩ nhạc rock).

Bản mở rộng Ambitions bao gồm những nghề nghiệp cho phép người chơi trực tiếp điều khiển Sim làm việc, cũng như đăng ký ở Tòa thị chính rằng Sim tự kinh doanh.

Các nghề nghiệp trong trò chơi gốc bao gồm Kinh doanh, Ẩm thực, Tội phạm, Thi hành Luật pháp, Y tế, Quân sự, Âm nhạc, Chính trị, Khoa học và Thể thao Chuyên nghiệp. Các nghề nghiệp trong bản mở rộng Ambitions bao gồm Cứu hỏa, Thợ săn Ma, Thám tử, Kiến trúc sư và Nhà thiết kế Thời trang. Các công việc bán thời gian bao gồm nhân viên bán hàng ở hiệu sách hoặc siêu thị, tiếp tân hoặc chuyên viên ở spa và người đào huyệt. Nếu Sim là một ngôi sao nhạc Rock, các Sim khác sẽ nhận ra và phản ứng lại. Cũng tương tự như vậy nếu Sim đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp. Các nghề nghiệp và công việc bán thời gian trả lương theo giờ chứ không phải theo ngày. Sim làm các nghề nghiệp trong Ambitions sẽ kiếm được tiền sau khi thực hiện xong một công việc bên cạnh khoản thù lao hàng tuần. Các NPC như người giúp việc hoặc thợ sửa chữa, khi được hỏi về nghề nghiệp của mình bởi một Sim, sẽ trả lời là nghề Giúp việc và Sửa chữa, nhưng nếu chuyển vào một hộ gia đình thì họ sẽ trở nên thất nghiệp. Cho đến nay, người chơi không thể tham gia hầu hết nghề nghiệp của các NPC.

Các thế giới

Các vùng lân cận (neighborhood) nay chính thức được gọi là 'thế giới' (world), có thể là do việc sử dụng công cụ Tạo thế giới (Create a World) của EA. Các thế giới có thể được khám phá một cách thoải mái và chịu ảnh hưởng bởi một cơ chế mới gọi là "story progression". Thế giới chính trong trò chơi là Sunset Valley, một thế giới khác tên là Riverview có thể được tải về miễn phí. Tất cả các bản mở rộng từ trước đến nay (trừ GenerationsSeasons) đều bao gồm một thế giới mới và có thể được mua tại Cửa hàng The Sims 3.

Công cụ Tạo thế giới cho phép người chơi tạo ra những vùng lân cận cho riêng mình với những dạng địa hình tương tự như SimCity 4. Một bản vá phát hành cùng lúc với Ambitions còn cho phép người chơi thay đổi những vùng lân cận có sẵn một cách giới hạn. Cho đến nay, Brideport là thế giới có sẵn duy nhất được xếp vào loại thành phố. Còn lại được xem là các vùng ngoại ô.

Các chế độ Build/Buy

Một người chơi đang trong chế độ Build

Các chế độ build và buy đã được thay đổi đáng kể. Những ô vuông trên nền nhà chỉ còn rộng bằng một phần tư so với The Sims và The Sims 2, cho phép người chơi đặt đồ vật một cách thoải mái hơn. Bên cạnh đó, đồ vật cũng có thể được đặt không theo các ô vuông, điều này là không thể trong các tựa game Sims trước đó. Người chơi có thể thay đổi màu sắc và họa tiết của nội thất cũng như các đồ vật khác bằng công cụ Tạo phong cách (Create-a-Style). Một ngôi nhà có thể cao tối đa 5 tầng và có tối đa 4 tầng hầm.

Chế độ build chủ yếu được dùng để xây dựng và cấu tạo ngôi nhà với nhiều chức năng như dựng và sơn tường, thêm cửa và cửa sổ, lát nền nhà, đặt nền móng, thêm các cột chống, tạo bể bơi, nâng cao hoặc hạ thấp địa hình, tạo ao hồ, thiết kế vườn và cảnh quan, đặt lò sưởi, thêm tầng cho ngôi nhà, đặt cầu thang và thêm mái.[8] Một số bản mở rộng thêm vào chế độ build nhiều tính năng như thiết kế trần nhà và địa hình. Người chơi không thể xây dựng hoặc đặt đồ vật ngoài giới hạn của khu đất. Tường và nền móng không thể nằm trên đường viền giới hạn. Chiều cao của tường bằng độ dài 3 ô vuông nền nhà.

Trong chế độ buy, người chơi có thể mua các món đồ có trong danh mục đồng thời sắp xếp hoặc bán những món đồ có trong khu đất.[9] Chế độ này chủ yếu tập trung vào nội thất và đồ dùng gia đình. Trò chơi tiếp tục bao gồm một tính năng có từ The Sims 2, đó là công cụ eyedropper, giúp người chơi sao chép một họa tiết nào đó hoặc tạo bản sau của các đồ vật.[10] Kho đồ của gia đình là nơi chứa những đồ vật quá lớn đối với Sim. Khi gia đình của Sim chuyển nhà, nếu người chơi lựa chọn "đóng gói đồ đạc" thì tất cả mọi đồ vật trong ngôi nhà hiện tại sẽ được đưa vào kho đồ của gia đình để chuyển đến ngôi nhà mới.

Trong một số trường hợp, chẳng hạn như một vụ cháy hay vụ trộm, các chế độ build và buy có thể bị vô hiệu hóa để ngăn không cho người chơi thay đổi khu đất, khiến sự kiện đó không thể tiếp tục xảy ra. Sau khi sự kiện đó kết thúc, các chế độ này sẽ hoạt động trở lại. Khi đang ở trong các chế độ build và buy, người chơi có thể trả lại một món đồ nào đó và nhận được đúng số tiền bỏ ra để mua bằng công cụ undo. Tuy nhiên, tất cả mọi đồ vật đều sẽ bị khấu hao 10% giá trị một khi người chơi thoát khỏi các chế độ build và buy.

Tạo thế giới

Ngày 29 tháng 10 năm 2009, Electronic Arts giới thiệu công cụ Tạo thế giới (Create a World - CAW), cho phép người chơi tạo cho mình những thành phố riêng để sử dụng trong trò chơi. Người chơi có thể tùy chỉnh các khu đất, thiết kế địa hình, đường sá, cây cối và những đặc điểm khác. Người chơi cũng có thể đăng tải các thế giới của mình lên The Sims 3 Exchange để những người chơi khác tải về. Công cụ này được ra mắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2009 và có thể được tải về với dung lượng 156MB nhưng chỉ tương thích với hệ điều hành Windows.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: The Sims 3 http://www.electronicarts.com.au/news/sims3launche... http://www.next-gen.biz/reviews/review-sims-3 http://www.3djuegos.com/juegos/pc/3487/los-sims-3/ http://www.actiontrip.com/rei/comments_news.phtml?... http://www.actiontrip.com/reviews/thesims3.phtml http://www.afterdawn.com/news/archive/18095.cfm http://itunes.apple.com/us/album/the-sims-3-stereo... http://itunes.apple.com/us/album/the-sims-3/id3135... http://itunes.apple.com/us/app/the-sims-3/id317904... http://www.applethoughts.com/news/show/93979/the-s...